Hồn xưa trong kiến trúc nhiệt đới Đông Dương của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Nằm giữa những con đường tấp nập tại trung tâm thành phố, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh ẩn hiện qua những tán cây, nước vôi trắng, hàng cột thẳng tắp và cửa sổ lá sách dưới cái nắng oi bức của ngày hè.  

Trước cổng chính là chiếc xe cổ màu đen sáng bóng, chỉ vừa bước qua một cách cổng, cảm giác như bỏ lại sau lưng âm thanh ồn ào tấp nập của cuộc sống năng động đang diễn ra để bắt đầu chuyến tham trong, hòa mình trong không gian tĩnh lặng mang hơi thở quá khứ. Hình ảnh trải ra trước mắt người khách tham quan là bóng đổ dọc trên dãy cột thẳng tắp được thiết kế đăng đối, một trong những thủ pháp kiến trúc tạo nên cảm giác trang nghiêm, mang hơi thở đầu tiên của yếu tố tĩnh cho công trình.

Bước qua khoảng hiên làm giảm đi cái nóng của không khí bên ngoài, không đơn thuần là nhiệt độ, chính cảm giác khi bạn bước qua ngạch cửa để vào không gian bên trong, bạn bắt đầu “quên” dần sự ồn ào để trải nghiệm chuyến tham quan. Không gian trung gian không chỉ đóng vai trò chuyển tiếp trong kiến trúc, bạn có thể cảm nhận được là sự “chuyển tiếp” cả về cảm xúc cho chính con người.

Cửa chính cùng hai cột hai bên tựa như một khung trang với điểm nhấn tinh tế là chiếc cầu thang, vì không gian bên trong tối hơn bên ngoài, nên cảm giác của người quan sát sẽ bị cuốn vào chiếc cầu thang với lan can sáng bóng được “điêu khắc” khi ánh sáng trượt xuống thanh vịnh, trải xuống từng bậc, từng bậc thang gỗ sẫm màu rồi dạ xuống nền gạch loang loáng. Đơn giản, tinh tế, nhưng hiệu quả với những gì vốn dĩ của công trình. Đó là điều các công trình kiến trúc đã và vẫn hướng tới.

Hành lang hai bên là dãy cửa và vách tường màu vàng nhạt in dấu thời gian. Không chỉ màu sắc, ánh sáng từ ngoài soi vào bên trong, còn là sự kết hợp hòa quyện cùng sự bố trí dãy cửa trên hành lang dài tạo thành khoảng không hun hút, các “hình vẽ” bằng bóng đổ từ tường xuống sàn gạch. Ánh sáng, màu sắc, nhịp điệu, tất cả đều lột tả nên hơi thở của một không gian giưa, giản dị, bình lặng. “Ngấm” vào cảm xúc của từng người đến thăm bảo tàng.

Một trong những điều cảm nhận dễ nhất chính là nhiệt độ mát mẻ khi đặt chân vào các công trình kiến trúc nhiệt đới Đông Dương xưa nói chung, và Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Mỗi khi di chuyển qua các không gian trưng bày khác nhau, chúng ta sẽ nhìn thấy các cánh cửa, được bố trí một cách khéo léo giữa phần “sáng” và phần “tối”, sự phân biệt về mặt không gian không thuần túy bởi yếu tố vật lý là “cửa” mà còn ở cảm giác phân biệt bởi ánh sáng – bóng tối, cánh cửa có thể dẫn bạn đến một không gian trưng bày khác, một hành lang khác hay một khoảng sân ngập nắng với cây cảnh được bày trí cẩn thận.

Không chỉ ánh sáng rực rỡ của thời điểm nắng gắt, khi trời chuyển về chiều, không gian cũng được phủ trong luồng ánh sáng dìu dịu tĩnh lặng. Sau khi tham quan các gian trưng bày bên dưới lầu, theo chiếc cầu thang “dẫn sáng” bước lên không gian trưng bày bên trên. Không gian giao thông này là một trong những điểm nhấn tinh tế nhất của bảo tàng, không chỉ hiệu quả về mặt dẫn dắt hướng, còn ở yếu tố ánh sáng từ hệ thống cửa sổ bằng kính mờ và hệ cột ngay tại vị trí cầu thang đó. Chính chiếc cầu thang này cũng có thể được xem là một “tác phẩm trưng bày” của bảo tàng.

 

Giữa chuyến tham quan, du khách có thể bước ra ngoài nhìn ngắm khoảng sân vườn bên dưới đan xen công trình. Lan can con tiện chạy dài theo suốt phần ban công, sự đều đặn và âm thanh lá cây xào xạc mang cảm giác nhẹ nhàng thư thái.

Nếu còn thời gian, bạn hãy xuống lầu, đi dạo dọc hành lang phía sau của bảo tàng, nơi những hàng cau thẳng tắp che bóng mát. Hành lang cũng sử dụng thủ pháp tương tự, chỉ là hệ cột và bóng đổ giao hòa trên bức tường in dấu thời gian càng tăng tiến thêm cảm giác hun hút. Trời càng về chiều, ánh sáng vàng ấm áp nhẹ nhàng buông xuống càng tăng thêm sự cổ kính và tĩnh lặng cho công trình.

 

 

Lời kết

Trải qua năm tháng, bằng những thủ pháp đơn giản, hàng cột dọc hành lang, hệ thống cửa, ánh sáng và bóng tối, không gian chuyển tiếp tranh sáng tranh tối, vẫn có thể hấp dẫn du khách tham quan, cuốn hút không chỉ ở sự tinh tế trong xử lý chi tiết công trình, cuốn hút không chỉ ở bộ sưu tập trưng bày trong bảo tàng, mà còn cuốn hút bởi cái hồn xưa, cái hồn giản dị, mộc mạc như hơi thở lặng lẽ tỏa ra từ không gian.

Bài, ảnh: KTS Lâm Ngọc Vân Anh