Chung cư Việt Nam: Kiến trúc xanh hay thiết kế phản bền vững?
2012 – năm chứng kiến nhiều sự kiện đáng nhớ của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, bất động sản cũng là một lĩnh vực kinh doanh chứng kiến nhiều thay đổi. Song song với sự thay đổi này là trào lưu kiến trúc bền vững, thiết kế xanh, đang nổi lên như một hiện tượng làm ấm nền thiết kế Việt Nam, thậm chí sắp tới sẽ có tới 3 hệ thống đánh giá công trình xanh ra đời (green building, green architecture, green construction).
Đó là xét về xu hướng tương lai, nhưng thực tế thì sao? Trong lúc cả thế giới đang chống biến đổi khí hậu, trào lưu thiết kế bền vững đi kèm với tiện nghi công trình đang thịnh hành nhằm tiết kiệm tài nguyên thì thực tế tại Việt Nam điều gì đang diễn ra?
Dự án chung cư EverRich
Để trả lời câu hỏi trên, ta cần nhìn lại giai đoạn 10 năm trước khủng hoảng, giai đoạn hình thành nên bong bóng bất động sản, bắt đầu từ thị trường nhà ở dân dụng, cụ thể là nhà chung cư. Trong giai đoạn bùng nổ này, việc các đơn vị môi giới bất động sản, thậm chí cả người đi mua nhà luôn trong tình trạng sôi sục vì nhà đất, thị trường vô cùng sôi động dẫn tới làn sóng “mua nhanh bán gọn”, miễn sao có giao dịch là có thể bỏ túi vài trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi lần thành công. Chính vì thế mà hình thành nên những nhà đầu tư thứ cấp, họ sẵn sàng vay ngân hàng vài chục tỷ đồng để đặt cọc nguyên một sàn chung cư, sau đó bán dần tới tay những người có nhu cầu mua để ở, hoặc nhà đầu tư cấp 3. Do đó, nhà đầu tư thứ cấp hoàn toàn không cần biết tới căn hộ mình đã đặt mua được thiết kế ra sao, họ chỉ cần có thông tin dự án, có mối quan hệ tốt với nhà đầu tư chính là đặt cọc mua sàn. Tiêu chí đặt mua thường phụ thuộc vào diện tích và mức độ cao cấp do chủ đầu tư đưa ra. Dù đơn giản, dễ dãi như vậy nhưng lãi mẹ vẫn đẻ lại con. Chính sự dễ dãi này đã vô hình tạo ra một làn sóng đơn giản hóa thiết kế, thiết kế thiếu quan tâm tới các tiện nghi sống tối thiểu, thiết kế thật nhanh gọn để đưa vào xây dựng, kể từ quy hoạch đô thị cho tới thiết kế chi tiết từng căn hộ…
Trước hết cần xem xét vấn đề lớn, đó là quy hoạch đô thị, liệu xu hướng quy hoạch đang diễn ra và còn tiếp tục trong nhiều năm tới đã đặt ra được nền tảng cho thực hiện thiết kế những thành phố bền vững, thân thiện với môi trường? Cùng với những gì được gọi là lý thuyết quy hoạch, hiện chúng ta đang có những bài giảng quy hoạch mang tính lý thuyết khái quát cao, nói về sự tồn tại của đô thị, về chống úng ngập, đảo nhiệt, nước ngầm… về công trình (chiều cao, diện tích, đường đỏ), về những tính toán quy mô để đảm bảo nhu cầu cấp thoát nước, cung ứng điện, liên lạc, giao thông… những khuyến cáo về hướng nhà, sơ đồ gió, những lời khuyên cho thiết kế… Đây là những gì thuộc về cơ bản, nền tảng không thể thiếu đối với những người làm quy hoạch. Xin phép không bàn tới vấn đề này, nó là những điều tất yếu phải nắm được và được giảng dạy tại các trường Đại học, vấn đề của thiết kế thường chỉ được nhìn thấy qua thực tế và vận dụng. Chúng ta hãy đi thẳng vào thực tế đô thị ở tỷ lệ nhỏ và xu hướng quy hoạch đang diễn ra trong thời gian qua.
Chung cư cao cấp The Manor Hà Nội (đã hoàn thành)
Trên đây là hai dạng thiết kế, quy hoạch công trình tương đối hiếm tại Việt Nam (EverRich và The Manor), trên quan điểm cá nhân, đây là hai công trình được thiết kế trên diện tích đất lớn, tạo được điều kiện cảnh quan riêng biệt, do đó mà tạo thành môi trường trong lành cho dân cư bên trong tòa nhà, dành ra được một khoảng không quý báu, tránh được khói bụi và ô nhiễm. Nói chung đây là dạng quy hoạch / thiết kế tạo điều kiện tốt cho phát triển bền vững, nhất là trong tình trạng môi trường không khí tại các thành phố lớn ở VN đang càng ngày càng ô nhiễm nặng nề do giao thông quá tải. Đáng tiếc dạng quy hoạch này khá ít thậm chí nếu xét trên quy mô cả nước.
Dạng quy hoạch phổ biến hiện nay là phân lô đất, các lô đất không đủ lớn để tạo thành dạng chung cư có sân trong, nhưng lại quá lớn để tạo thành các tháp nhà ở chung cư. Xu hướng chung của các mảnh đất này là cân đối 2 chiều ngang, dọc, đạt tỷ lệ “đẹp” giữa chiều ngang và dọc. Việc này hình thành do có một phần nguồn gốc từ quá trình đào tạo quy hoạch. Vài giáo trình giảng dạy quy hoạch có ghi rằng ảnh hưởng của hình dáng mảnh đất lên công trình là rất lớn, nên khi thiết kế quy hoạch thường vẽ những block nhà 30×30 hoặc 30×50, được minh họa với khoảng 10 tầng, có mở thêm khe trên mặt đứng tạo thông thoáng. Cơ sở của những con số này không được nêu ra cụ thể trong giáo trình.Với cách đào tạo như vậy thì liệu dạng quy hoạch đang phổ biến hiện nay liệu có còn thích hợp cho thời đại nhà cao tầng, có tạo điều kiện phát triển bền vững cho thiết kế kiến trúc? Mời bạn đọc chuyển từ lý thuyết ra thực tế thiết kế, thi công.
Trên đây là một số ví dụ về quy hoạch đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng. Xu hướng thiết kế quy hoạch chung cư cao tầng phổ biến là tạo ra sự cân xứng giữa các chiều ngang dọc của hình khối công trình, thậm chí là vuông, hiếm khi nhìn thấy một quy hoạch khu ở có chiều hướng dài và hẹp hay một dải hẹp tạo thành sân trong, phải chăng nó thực sự xấu xí và mất cân đối trong mắt các kiến trúc sư quy hoạch Việt Nam?
Để có thể trả lời câu hỏi bền vững hay phản bền vững của thiết kế kiến trúc thì việc làm đầu tiên nhất cần xét đến là bền vững là gì? Hình dưới đây là tỷ lệ các tiêu chí bền vững của hệ thống công trình xanh LEED, hệ thống nổi tiếng và uy tín nhất trên thế giới hiện nay. Tỷ lệ lớn nhất của hệ thống tiêu chí là dành cho môi trường và năng lượng.Về cơ bản thì đây là hai vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau, tận dụng môi trường tự nhiên tốt thì sẽ giảm được sử dụng năng lượng và ngược lại. Vậy tác động của quy hoạch công trình cân xứng trên mặt bằng tổng thể lên tiện nghi công trình và sử dụng năng lượng tại Việt Nam như thế nào?
Tỷ lệ đánh giá các tiêu chí công trình xanh theo hệ thống LEED 2.2 và 3.0
Ví dụ 1: Mảnh đất vuông và tỷ lệ sử dụng đất cao, sau khi trừ tất cả các khoảng lùi, kiến trúc sư còn lại một khoảng diện tích trống rất nhỏ để xoay xở và tạo hình tổng thể cho công trình. Kiến trúc sư còn phải ứng nhu cầu tận dụng tối đa mật độ xây dựng cho phép của chủ đầu tư và yêu cầu đơn giản giải pháp kết cấu nhằm hạ giá thành. Tất cả các yếu tố trên dẫn tới tỷ lệ mặt thoáng / diện tích của công trình còn lại rất nhỏ, từ đó dẫn đến các căn hộ có rất ít mặt thoáng, nhiều phòng ngủ bị chen kẹt và lùi vào bên trong công trình, thông thoáng ra bên ngoài qua một ban công dọc, nhỏ. (Các căn hộ 704, 705, 706, 707, 713, 712…). Hoặc đơn giản hơn là có nhiều căn hộ có các phòng khách thông thoáng ra ngoài qua phòng bếp hẹp.
Thực trạng quy hoạch xây dựng ở Việt Nam cho thấy dạng căn hộ chen kẹt xuất hiện trong rất nhiều các công trình chung cư cao tầng đã và sẽ còn xuất hiện trong thời gian tới.
Ví dụ 2: Với tình trạng tương tự như ví dụ 1, sau khi trừ các khoảng lùi, phần đất còn lại vừa đúng bằng mật độ xây dựng tối đa cho phép, để đáp ứng đòi hỏi tối đa mật độ xây dựng của chủ đầu tư, kiến trúc sư chỉ còn cách thiết kế toàn bộ công trình trên phần cho phép, diện tích mặt thoáng dành cho mỗi căn hộ còn lại rất nhỏ, kết quả là có rất nhiều phòng khách trong các căn hộ hoàn toàn không có cửa sổ.
Ví dụ 3: Đây là một ví dụ đặc biệt, khác với hai ví dụ trên. Ở hai ví dụ trên, kiến trúc sư bị phụ thuộc rất lớn vào quy hoạch và yêu cầu tối đa mật độ xây dựng của chủ đầu tư nên không thể tạo ra được công trình tốt (hiểu theo nghĩa chiếu sáng và thông gió đầy đủ). Tuy nhiên có những dự án chung cư cao cấp cực lớn mà tại đó chủ đầu tư và ban quản lý dự án hoàn toàn chủ động trong quy hoạch và kiến trúc. Điều đáng tiếc là những khu chung cư tốt vẫn không xuất hiện, lý do ở đây có lẽ nên “đổ tại” sự tách biệt trong đào tạo kiến trúc và quy hoạch.
Quá trình đào tạo kiến trúc sư quy hoạch ở Việt Nam rất khác so với trên thế giới. Khoa quy hoạch và khoa kiến trúc là hai khoa riêng biệt, tuy không phải là tất cả nhưng cách đào tạo này làm cho kiến trúc sư quy hoạch khá thụ động. Nếu họ không tự tìm hiểu sâu về kiến trúc thì đến khi ra trường, người đó có rất ít hiểu biết về đặc trưng thiết kế của các chủng loại công trình, chủ yếu quan tâm tới quy hoạch và hình dáng trên mặt bằng tổng thể và sự cân đối đó mang tính hình thức.
So sánh đào tạo quy hoạch tại Việt Nam và các nước. Tại phần lớn các nước, kiến trúc sư quy hoạch là sự phát triển, một bước đào tạo quan trọng từ nền tảng kiến trúc sư thiết kế công trình.
Một khu chung cư cao cấp đang thi công tại Hà Nội
Trên mặt bằng tổng thể, có thể nhận thấy kiến trúc sư quy hoạch thực hiện khu vực này đã tạo ra sự đối xứng, xu hướng giống với những quy hoạch, thiết kế cổ điển tại châu Âu, đây cũng là ý tưởng của nhà đầu tư dành cho dự án. Tên gọi của nó gợi lên hình ảnh về một thành phố dành cho các vị vua. Vậy quy hoạch một cách đơn giản, định hướng theo ý tưởng, tên gọi, đăng đối như vậy có tạo nên những chung cư tốt?
Tất cả các tòa nhà tại khu vực này đều có độ dày khoảng gần 24m, việc quy hoạch các khối nhà quá lớn như trên gây ra khó khăn không nhỏ cho kiến trúc sư thiết kế công trình. Nhìn cụ thể hơn tới mỗi căn hộ, ai cũng có thể nhận thấy phần lớn các căn hộ được thiết kế có ít nhất 1 phòng ngủ không có cửa sổ. Việc thiết kế xây dựng công trình như thế này trên thế giới hầu như không được phép.
Các căn hộ có ít nhất 1 phòng ngủ hoặc bếp không có cửa sổ mở ra thiên nhiên.
Nếu xét trên quan điểm bền vững và kiến trúc xanh thì theo ý kiến cá nhân, thiết kế chung cư tại Việt Nam khó hơn các nước khác trên thế giới. Điều này liên quan đến văn hóa ẩm thực, du khách quốc tế đến Việt Nam đều không thể bỏ qua điều này, thậm chí có người vì ẩm thực mà thêm yêu Việt Nam.
Để điều này tồn tại như một phần của văn hóa thì việc nấu ăn trong các gia đình tại Việt Nam đều khá cầu kỳ và tốn thời gian, đặc biệt trong các dịp lễ tết, hay đơn giản hơn là ăn mừng cho một niềm vui nho nhỏ trong gia đình. Vậy nên việc thiết kế các căn bếp thông thoáng ra bên ngoài ra rất cần thiết, thậm chí các bà nội trợ còn thích có một khoảng ban công nối liền với bếp để chế biến những món ăn từ thực phẩm tươi sống.
Bạn đọc có thể xem lại tất cả các ví dụ trên, hầu hết đều không thực hiện được việc này – chạy máy điều hòa, bật quạt thông gió là giải pháp duy nhất làm mát nhà khi căn hộ bị đun nóng lúc chế biến những món ăn tuyệt vời của Việt Nam. Một số trường hợp giải quyết được vấn đề này thì bếp lại che lấp mất phòng khách của gia đình.
Ví dụ 4: Hình dưới là quy hoạch một khu chung cư cũng thuộc dạng rất lớn tại Hà nội. Để đạt mục tiêu khí hậu và làm mát cho các tòa nhà thì tất cả các tòa nhà đều quay theo hướng bắc – nam. Liệu điều này có làm cho các căn hộ trở nên tốt hơn?
Quy hoạch các tòa nhà theo hướng bắc nam liệu có bền vững?
Trên đây là một số chia sẻ và nhận định của người viết về thực tế thiết kế quy hoạch, kiến trúc tại Việt Nam, có phần hơi cực đoan vì chỉ nói về những vấn đề không mấy sáng sủa. Mong rằng thời kỳ bong bóng bất động sản sẽ qua nhanh, những tòa nhà xây vội, bán vội, không hề quan tâm tới tiện nghi sống, chất lượng môi trường, bỏ qua văn hóa nhà ở sẽ không còn xuất hiện thêm nữa. Người mua cũng sẽ dần dần khó tính hơn do sự lựa chọn mua căn hộ trong thời bong bóng xì hơi sẽ nhiều hơn và rẻ hơn, các chủ đầu tư thông minh cũng theo đó sẽ phải nghĩ tới việc điều chỉnh chất lượng thiết kế cho phù hợp với thị trường.
Cuối cùng, không phải kiến trúc sư VN không giải quyết được những vấn đề chất lượng môi trường sống và quy hoạch hiện tại, nhưng để tất cả trở thành các quy định hiển nhiên và mang tính khoa học trong thiết kế, cần có các yếu tố tác động ở tầm vĩ mô khác… Tác giả bài viết rất mong các tổ chức quốc tế đến và phối hợp với giới hành nghề của Việt Nam nhằm đưa ra những quy hoạch, thiết kế tạo ra những sản phẩm thực sự tốt, bền vững để Việt Nam có thể thoát khỏi sự lạc điệu, để bắt nhịp với thế giới trong cuộc đua chống biến đổi khí hậu./.
Trần Thành Vũ
Chuyên gia năng lượng công trình tại Viện Kiến trúc nhiệt đới, Đại học Kiến trúc Hà Nội
Tư vấn tiết kiệm năng lượng, công trình xanh tại IFC – WorldBank Group