Xây dựng nhà ở thân thiện với môi trường: Không khó!

Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa quyết định thành lập Hội đồng Kiến trúc xanh Việt Nam như là một trong những tổ chức đi đầu trong việc khuyến khích, vận động kiến trúc sư, chủ đầu tư tham gia xây dựng các công trình thân thiện với môi trường. Kiến trúc xanh (KTX) là một đề tài rất đáng quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp. Phóng viên đã trao đổi với KTS Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, Phó Chủ tịch Hội đồng KTX Việt Nam, xung quanh vấn đề này.  

Nghiên cứu, đề xuất “chuẩn hóa” tiêu chí kiến trúc xanh

– Phóng viên: Thưa ông, KTX là khái niệm đã được nhắc đến nhiều ở nước ta nói chung và đặc biệt ở TPHCM nói riêng. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện ý tưởng này trên thực tế dường như vẫn còn rất khiêm tốn. Chúng ta có thể kỳ vọng Hội đồng KTX ra đời sẽ thu hẹp được “khoảng cách” này?

– KTS Khương Văn Mười (ảnh bên): KTX đã và đang là xu hướng kiến trúc được nhiều nước, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới hưởng ứng. Nhiều nước đã thành lập Hội đồng KTX từ hàng chục năm trước như Mỹ có Hội đồng LEED, ở Úc có Braum… Đây không phải là mốt hoặc một ý tưởng tức thời kiểu phong trào mà là sự tính toán cân nhắc tìm kiếm hướng phát triển đô thị một cách bền vững nhất nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải, chống hiện tượng nóng lên của trái đất.

Tại Việt Nam, cách nay khoảng 4 năm, Bộ Công thương và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM có tổ chức bình chọn và trao giải thưởng cho những tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa trong bối cảnh các nguồn năng lượng mà con người đang sử dụng phổ biến như dầu mỏ, thủy điện… ngày một cạn kiệt. Thế nhưng, muốn tiết kiệm năng lượng mà không quan tâm đến các giải pháp kiến trúc, xây dựng thì hiệu quả không thể cao được.

Hội đồng KTX ở nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và đưa ra những tiêu chí rất cụ thể trong việc xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường… Để xu hướng kiến trúc này có thể triển khai được trong thực tế, Hội đồng KTX Việt Nam cũng đặt cho mình những nội dung hoạt động tương tự và hướng sẽ tới việc đề xuất chuẩn hóa những tiêu chí này.

– Ông đang nói đến các giải pháp kiến trúc và xây dựng, nhưng điều này liệu có khả thi ở những đô thị hiện hữu như TPHCM chẳng hạn – nơi nhà cửa cơ bản đã xây dựng hoàn chỉnh?

– Trong các đô thị hiện hữu vẫn có thể triển khai một số giải pháp kiến trúc và xây dựng để cho các công trình kiến trúc ở đây trở thành công trình KTX. Bằng một số giải pháp đơn giản như thay các thiết bị chiếu sáng tốn nhiều năng lượng bằng các thiết bị ít sử dụng năng lượng hơn, bố trí lại đồ đạc trong nhà, điều chỉnh lại các cửa sổ, cửa ra vào để hứng gió và ánh nắng tự nhiên (một cách có lợi), trồng cây xanh trên sân thượng, đóng thêm các tấm cách nhiệt lên trần nhà nếu là nhà lợp tôn….

Chủ nhân của từng công trình kiến trúc có thể làm cho công trình của mình thân thiện với môi trường hơn. Các khu phố, các tuyến đường hiện hữu cũng tương tự. Người dân có thể làm cho khu phố, các tuyến đường xanh hơn bằng cách trồng thêm cây xanh, khai thông các kênh rạch, thay các thiết bị chiếu sáng công cộng tốn nhiều năng lượng bằng thiết bị ít tiêu hao nhiên liệu, thậm chí nếu có điều kiện thì sử dụng năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời để chiếu sáng thay vì dùng điện…

Tất nhiên, ở các khu đô thị mới, các khu dân cư mới việc xây dựng các công trình KTX dễ hơn nhiều. Ngay từ khâu thiết kế, thi công, chọn lựa vật liệu xây dựng, các kiến trúc sư đã có thể tư vấn cho chủ đầu tư các giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Hiện nay các nội dung này đều đã được giảng dạy trong các trường kiến trúc và xây dựng, các kỹ sư xây dựng cũng như các kiến trúc sư đã tốt nghiệp đều có thể giúp các chủ đầu tư xây dựng thành công các công trình KTX.

  • Ảnh bên : Những mảng xanh quý giá ở trung tâm TPHCM (Ảnh: Cao Thăng)

“Dán nhãn” để tôn vinh công trình xanh

– Tuy nhiên chi phí xây dựng các công trình KTX thường cao hơn chi phí xây dựng các công trình bình thường. Làm sao khuyến khích các chủ đầu tư hướng tới KTX, nhất là khi một số định mức xây dựng những công trình bình thường của ngành chức năng còn luôn lạc hậu so với thị trường?

– Cản ngại rất lớn trong việc xây dựng các KTX là chi phí xây dựng thường cao hơn nhiều so với chi phí xây dựng các công trình bình thường. Tuy nhiên, chi phí này sẽ được bù đắp lại trong quá trình sử dụng công trình. Đơn cử, nếu sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng thì sau này ta sẽ bớt phải trả tiền điện. Hơn nữa, nếu khéo vận dụng, việc xây dựng các công trình theo tiêu chí xanh ở trong các khu dân cư, các khu đô thị mới có thể trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh trên thương trường của chủ đầu tư.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư TPHCM đang dự tính kết hợp với các ban ngành chức năng ngoài việc chuẩn hóa tiêu chí KTX, sẽ có kế hoạch “dán nhãn” xác nhận cho những công trình xanh nhằm tôn vinh các chủ đầu tư đã mạnh dạn đầu tư theo xu hướng bền vững. Tất nhiên, qua đó cũng giúp người dân nhận biết rõ ràng đâu là KTX khi cần phải mua, bán các công trình này.

– Bao giờ tất cả những dự tính của Hội đồng KTX mới được triển khai trong thực tế?

– Chúng đang được triển khai. Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư TPHCM nhận thấy mình phải có trách nhiệm to lớn trong việc thúc đẩy xu hướng kiến trúc xây dựng xanh bởi những lợi ích thiết thực, bền vững mà nó đem lại cho cuộc sống con người.

– Cảm ơn kiến trúc sư.

An Nhiên (thực hiện)